Khu vực quanh Hồ Tây không chỉ cuốn hút nhờ thắng cảnh và những nhà hàng, quán xã ngon nức tiếng. Nơi đây còn là nơi tọa lạc của nhiều ngôi chùa linh thiêng với bề dày nhiều năm và cảnh quan đẹp mê mẩn. Một trong đó chính là Trấn Quốc Tự hay chùa Trấn Quốc.
Nội Dung
Nơi thu hút đông đảo người đến thăm
Trấn Quốc Tự là một trong những ngôi chùa quanh Hồ Tây vô cùng linh thiêng được nhiều người ghé thăm để vãn cảnh và cầu bình an.
Đi lễ chùa vốn là nét văn hóa tinh thần của người Việt từ lâu, là nơi con người bày tỏ nguyện ước, cầu thịnh vượng cho gia đạo và tìm chốn bình yên tĩnh tại nơi tâm hồn, bỏ lại cuộc sống vất vả sau lưng và hoà vào không khí thanh tịnh, lòng vì thế cũng trở nên nhẹ nhàng hơn.
Trấn Quốc Tự với cảnh đẹp nổi tiếng, một vị trí thuận lợi và mát mẻ luôn là nơi thu hút rất đông khách thập phương. Đặc biệt, vào những ngày rằm hay ngày lễ Tết trong năm, chùa càng đông người ghé đến.
Mỗi dịp đầu năm mới Âm lịch, nhiều người đến chùa để cầu mong một năm mới suôn sẻ, thành công và nhiều sức khỏe, may mắn.
Vị trí không thể đẹp hơn của chùa Trấn Quốc
Chùa Trấn Quốc tọa lạc tại đường Thanh Niên, thuộc phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Trấn Quốc tự nằm ở phía Đông hồ Tây, là một trong những ngôi chùa cổ của Việt Nam và nằm trong danh sách 16 ngôi chùa cổ đẹp nhất thế giới. Chùa Trấn Quốc tại Hà Nội có kiến trúc cổ kính cùng cảnh quan tao nhã bên Hồ Tây. Chùa không chỉ là nơi các Phật tử tới cầu an mà còn thu hút khách thập phương đến vãn cảnh. Không phải ngẫu nhiên mà Trấn Quốc Tự Hà Nội được vinh dự có tên trong danh sách những ngôi chùa cổ đẹp nhất thế giới.
Cảnh quan và kiến trúc đáng chiêm ngưỡng của Trấn Quốc Tự
Chùa Trấn Quốc toạ lạc trên hòn đảo duy nhất của hồ Tây. Ngôi chùa cổ kính đã trải qua hàng nghìn năm tuổi, dù cảnh quan đã nhiều thay đổi theo thời gian song đến hôm nay vẫn luôn hoành tráng, uy nghi. Bờ hồ có đường lớn bao quanh. Phía trên cửa chùa có ghi ba chữ Phương Tiện môn và câu đối hai bên viết bằng chữ Nôm: Vang tai xe ngựa qua đường tục/ Mở mặt non sông đứng cửa thiền
Tương tự như đại đa số những ngôi chùa khác ở Việt Nam, kết cấu và nội thất chùa Trấn Quốc có sự sắp xếp trình tự theo nguyên tắc khắt khe của lối kiến trúc Phật giáo. Kiến trúc chùa hấp dẫn du khách với nhiều lớp nhà. Trong đó có ba ngôi chính là tiền đường, nhà thiêu hương và thượng điện nối liền với nhau.
Tiền đường hướng về phía Tây. Hai bên nhà thiêu hương và thượng điện là hai dãy hành lang. Sau thượng điện là gác chuông. Gác chuông chùa là một ngôi ba gian, mái chồng diêm, nằm trên trục sảnh đường chính.
Bên phải là nhà tổ và bên trái là nhà bia. Trong chùa hiện nay đang lưu giữ 14 tấm bia. Trên bia khắc năm 1815 có bài văn của tiến sĩ Phạm Quý Thích ghi lại việc tu sửa lại chùa sau một thời gian dài đổ nát. Phía sau chùa còn có một số mộ tháp cổ từ thế kỉ 18.
Khuôn viên chùa có Bảo tháp lục độ đài sen được xây dựng năm 1998. Bảo tháp lớn gồm 11 tầng, cao 15m. Mỗi tầng tháp có 6 ô cửa hình vòm, trong mỗi ô đặt một pho tượng Phật A Di Đà bằng đá quý. Đỉnh tháp có đài sen chín tầng (được gọi là Cửu phẩm liên hoa) cũng bằng đá quý. Bảo tháp này được dựng đối xứng với cây bồ đề lớn do Tổng thống Ấn Độ tặng khi ông đến thăm Hà Nội năm 1959. Với tuổi đời hàng nghìn năm, trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, cùng giá trị văn hóa, tin ngưỡng và giá trị lịch sử to lớn, chùa Trấn Quốc đã được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hoá cấp quốc gia vào năm 1989. Đây thực sự là một nơi chốn nên ghé thăm khi dạo quanh Hồ Tây.
Đừng bỏ lỡ: Nhà hàng Meat Plus Hồ Tây – sự lựa chọn hợp lý mỗi khi ViVu Hồ Tây!